Thị trường quặng sắt đang “sụp đổ” nhưng giá thép vẫn tăng nóng

photo1627669077260 16276690773731587526360

Thị trường sắt thép Châu Á diễn biến hoàn toàn trái ngược trong tháng 7/2021: Giá quặng sắt Trung Quốc giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020, giá thép đồng loạt tăng, trong đó thép không gỉ tăng mạnh nhất trong lịch sử giao dịch.

Giá quặng sắt Châu Á giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng. Thị trường nguyên liệu thép đã “sụp đổ” dưới quyết tâm giảm sản lượng thép của Trung Quốc nhằm giảm lượng khí phát thải và làm chậm lại nhu cầu trong nước đối với vật liệu xây dựng và sản xuất.

Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên kết thúc phiên 30/7 giảm mạnh, mất 8,1%, xuống 1.027 nhân dân tệ (158,95 USD)/tấn, tính chung cả tháng giảm 8%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2 năm 2020.

Giá quặng sắt trên sàn Singapore cùng phiên cũng giảm 7,7% xuống 175,95 USD/tấn, giảm 16% trong vòng một tháng. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc, kết thúc tháng 7 ở mức dưới 200 USD/tấn lần đầu tiên kể từ ngày 28/5, xuống 195 USD/tấn, tính chung cả tháng giảm 9%, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.

Trái với quặng sắt, giá thép tiếp tục tăng trong phiên 30/7. Theo đó, thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 5.705 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng (HRC), dùng trong sản xuất, tăng 3,1% lên 6.120 CNY/tấn; thép không gỉ cũng tăng 3,1% lên 20.065 CNY/tấn.

Tính chung trong tháng 7, giá thép thanh vằn tăng 12%, thép HRC tăng 14%; và đặc biệt, thép không gỉ tăng tới 20%, mức tăng nhiều nhất kể từ khi hợp đồng đầu được giao dịch trên sàn Thượng Hải năm 2019.

Nguyên nhân giá tăng mạnh do lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt sản xuất thép.

Thị trường quặng sắt đang “sụp đổ” nhưng giá thép vẫn tăng nóng - Ảnh 1.

Mức độ biến động giá sắt thép trong tháng 7

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Giá giảm do nhu cầu quặng sắt suy yếu trước chính sách giảm sản lượng thép của Trung Quốc nhằm giảm lượng khí thải”. Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy hạn chế sản lượng năm nay ở mức không quá sản lượng năm 2020. Sản lượng nửa đầu năm nay đã tăng gần 12% so với một năm trước đó, vì vậy sản lượng trong nửa cuối năm sẽ phải giảm mạnh để bù lại mức vượt trội 12% trong nửa đầu năm.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết: “Chúng tôi thấy hợp lý khi dự báo tăng trưởng sản xuất thép trong nửa cuối năm ở Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể so với nửa đầu năm”.

“Sau khi sản lượng thép mạnh kỷ lục trong nửa đầu năm 2021, chúng tôi bắt đầu thấy sản lượng thép của Trung Quốc giảm. Tỷ suất lợi nhuận đã giảm, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất thép cung cấp cho ngành xây dựng”, nhà phân tích thép Richard Lu của CRU cho biết.

Tập đoàn Shagang, nhà máy thép lớn thứ tư thế giới, vừa thông báo sẽ cắt giảm sản lượng và xuất khẩu ra nước ngoài để tuân thủ các quy định của Chính phủ nhằm cắt giảm lượng khí thải.

Ngoài việc Trung Quốc giới hạn sản lượng thép gây lo ngại nhu cầu nguyên liệu sắp tới sẽ giảm, các nhà đầu tư cũng đang xem xét việc nhu cầu từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có những dấu hiệu yếu đi. Chính phủ nước này đã kêu gọi 5 thành phố (Ngân Xuyên, Từ Châu, Kim Hoa, Tuyền Châu và Huệ Châu) hãy ổn định thị trường nhà đất tại địa phương sau khi giá nhà tăng quá mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Về nguồn cung quặng sắt, Brazil đang trên đà hướng tới một năm 2021 xuất khẩu quặng sắt đạt mức cao. Vale SA của Brazil, nhà khai thác quặng lớn thứ hai thế giới, cho biết họ tự tin đạt sản lượng mục tiêu 315 triệu đến 335 triệu tấn trong năm nay, bất chấp sự gián đoạn trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, hoạt động khai thác của Australia mấy tháng qua bị kìm hãm bởi sự tắc nghẽn ở cảng xuất khẩu chính của Rio Tino. Tuy nhiên, vấn đề đó hiện đã được giải quyết, và Australia cũng có những mỏ mới đang hoạt động. Do đó, nguồn cung từ Australia sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, tiếp tục tăng đến 2022.

Xuất khẩu của Fortescue Metals Group trong năm 2021 dự báo sẽ đạt 182,2 triệu tấn, và năm 2022 sẽ đạt 180 triệu -185 triệu tấn. Tập đoàn BHP thông báo sản lượng quặng sắt cả năm sẽ gần đạt mức cao nhất trong phạm vi dự báo, nhờ sản lượng kỷ lục tại hai mỏ ở phía Tây Australia. Tuy nhiên, nguồn cung quặng sắt Australia hồi phục sẽ có ý nghĩa nhiều đối với các thị trường khác hơn là Trung Quốc – nước đang cố gắng giảm phụ thuộc vào quặng sắt Australia.

Ngoài ra, bản thân Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh trở lại vào hoạt động khai thác quặng sắt, kể từ khi giá vượt quá 120 USD/tấn. Do đó, nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc năm 2021 và 2022 sẽ tăng thêm hàng chục triệu tấn.

Thị trường quặng sắt đang “sụp đổ” nhưng giá thép vẫn tăng nóng - Ảnh 2.

Triển vọng thị trường sắt thép

Đối với quặng sắt, dự báo giá sẽ tiếp tục chịu áp lực trong tương lai gần bởi các lý do: (1) Quyết tâm của Trung Quốc hạ nhiệt giá quặng sắt trong cả ngắn và dài hạn; (2) nguồn cung quặng sắt thế giới đang hồi phục, nhất là Brazil.

Về Trung Quốc, trong ngắn hạn, nước này sẽ tiếp tục nỗ lực giảm phụ thuộc vào quặng sắt Australia bằng cách tăng nhập khẩu quặng sắt từ các nước khác, thúc đẩy nguồn cung quặng sắt trong nước, tăng cường sử dụng thép phế và giảm sản lượng thép.

Đối với thép, khả năng giá sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới, song tốc độ tăng sẽ tùy thuộc vào việc nước này sẽ thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng thép nghiêm túc đến đâu.

Các nhà phân tích của JPMorgan dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý IV, dẫn đến “giá thép và lợi nhuận ngành thép sẽ tăng mạnh”.

Việc Trung Quốc quyết liệt buộc các nhà máy thép phải hạn chế sản lượng để tổng sản lượng năm nay không vượt quá năm 2020, trong khi sản lượng nửa đầu năm đã tăng gần 12%, sẽ khiến nguồn cung thép của nước này suy giảm trong những tháng tới. Tuy nhiên, mục tiêu giữ sản lượng thép năm 2021 bằng hoặc thấp hơn năm 2020 của Trung Quốc khó đạt được.

Nhà phân tích thép Richard Lu của CRU cho biết: “Rõ ràng là sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cả 6 tháng đầu năm nay và so với 6 tháng cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sự sụt giảm sẽ không đủ để đáp ứng mục tiêu giảm sản lượng thép thô quốc gia vào năm 2021 so với năm 2020 “.

Vivek Dhar cũng cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ giảm đến mức đó (giảm 12% trong 6 tháng cuối năm nay), nhưng sản lượng thép của Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn là nhu cầu thép chậm lại”.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung trong nước khi sản lượng thép giảm, Trung Quốc đã thực hiện bổ sung nhiều biện pháp khác, như hạn chế xuất khẩu thép, và sử dụng thép dự trữ để bù đắp chỗ thiếu cung.

Nguồn: https://cafef.vn/ 

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *